Tìm Kiếm Một Thế Kỷ Xán Lạn – Tọa Đàm Giữa Kim Dung Và Ikeda
Tác Giả: Kim Dung, Daisaku Ikeda
Thể Loại: Văn Học Nước Ngoài
Vui lòng nhấp vào liên kết bên dưới để tải Ebook.
Giới Thiệu Sách:
Tìm Kiếm Một Thế Kỷ Xán Lạn – Tọa Đàm Giữa Kim Dung Và Ikeda – Kim Dung, Daisaku Ikeda
Có cuộc gặp gỡ tốt đẹp, thoáng qua trong chớp mắt, mà ngẫu nhiên quyết định cả số phận, lại có cuộc gặp gỡ để lại ân hận và đau khổ suốt đời. “Gặp nhau đã khó, chia tay còn khó hơn”, “kịch tính” của nhân sinh mới đa dạng đa sắc làm sao!
Trong vở kịch lớn của đời ta, có cuộc gặp gỡ vừa gặp đã thân thiết, không cần nói, mới cầm tay nhau mà tâm trí đã say nhau.
Tại những cuộc gặp gỡ như thế, từ trong chốn thẳm sâu, người ta sẽ cảm thấy một nỗi hoài niệm, nói theo ngôn ngữ nhà Phật, là “cái duyên ở đời”, vừa gặp đã thân thiết, ý hợp tâm đầu, tựa hồ đôi bên đã gặp nhau từ kiếp nảo kiếp nao.
Cuộc gặp gỡ giữa tôi với Kim Dung tiên sinh đúng là “hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”.
Kim Dung tiên sinh đem lại cho “tiểu thuyết võ hiệp” truyền thống của Trung Quốc một cuộc sống mới, nhờ vậy tiên sinh được tôn là “văn hào Trung Quốc”, “Dumas của phương Đông”, “hễ nơi nào có người Trung Quốc, ắt chốn ấy có lưu truyền tiểu thuyết của Kim Dung”, một đại văn hào lừng lẫy tiếng tăm. Đồng thời Kim Dung tiên sinh còn sáng lập tờ “Minh báo” trứ danh ở Hồng Công. Hơn ba chục năm nay, Kim Dung tiên sinh trở thành nhân vật có tiếng nói quyết định trong dư luận ở Hồng Công.
Xin lỗi là tôi không thể kể hết mọi truyền kỳ của Kim Dung tiên sinh ra đây, điều khiến tôi xúc động nhất là khí phách của tiên sinh tuyệt đối không lùi bước trước quyền thế lớn, trong khi đối với quần chúng nhân dân thì hết mực quan tâm, không bao giờ quên. Cái khí phách “đại nhân” ấy được lịch sử mấy ngàn năm của Trung Quốc lưu truyền mãi từ đời này sang đời khác.
Kim Dung tiên sinh dùng ngòi bút làm kiếm, sức mạnh tất lộ ra ở ngòi bút. “Kẻ địch” tràn đến từ mọi phía, từ phía nào cũng làm cho người ta căm ghét, sợ hãi. Chúng tấn công, đả thương, thậm chí muốn lén lút hạ sát Kim Dung tiên sinh!
Tôi và Kim Dung tiên sinh từng bốn lần gặp nhau đàm đạo ở Hồng Công, Tokyo. Học hỏi nhiều điều. Tôi từng hỏi: “Tiên sinh bị áp bức rất ghê phải không?” Kim Dung tiên sinh liền đáp: “Đúng vậy, nhưng sau khi nhận thức rõ trắng đen thiện ác, tôi tuyệt nhiên không cúi đầu khuất phục trước sự áp bức vô lý!”
Luôn luôn mỉm cười, phong thái quân tử nho nhã, hiền hòa, song khí phách và tinh thần quả cảm bất khuất, – đó chính là cái bí quyết của tiểu thuyết võ hiệp khiến độc giả say mê không rời.
Kim Dung tiên sinh không chỉ lừng lẫy danh tiếng văn chương, mà còn là một doanh nhân thành công ít có. Song Kim Dung tiên sinh không hề chọn cuộc sống mũ ni che tai mặc kệ sự đời, chỉ lo cho mình hưởng thụ yên ấm, an nhàn; mà luôn nghĩ “có phù hợp với lợi ích của dân chúng hay không” làm căn cứ để phát ngôn, cũng tức là truyền thống sĩ đại phu chính trực của Trung Quốc “vị dân thỉnh mệnh” (thỉnh cầu ý dân); một khi từ bỏ đất lớn “dân chúng”, thì có nói ngàn vạn câu cũng chỉ phí lời, chẳng có giá trị gì.
Tôi cho rằng quan điểm của Kim Dung tiên sinh về thời kỳ quá độ để Hồng Công trở về Trung Quốc, về bản chất của cuộc đại cách mạng văn hóa, thật là nhìn xa thấy rộng. Đó là vì Kim Dung tiên sinh nhất quán theo lập trường “đứng về phía dân chúng mà phát ngôn”, là ngòi bút của “tuệ nhãn” độc đáo.
Một số người luôn miệng tự xưng “chân thực”, thực ra chỉ là nhà quyền thuật và nhà mưu lược. Đối với họ, không cần né tránh, chỉ có miệt thị họ, mới có thể triệt để đả phá sự tà ác!
Sự gặp gỡ giữa tôi với Kim Dung tiên sinh đúng là cái “duyên” huyền diệu. Hai chúng tôi có thể nói là vừa gặp đã thân thiết, kinh nghiệm sống và niềm tin của Kim Dung tiên sinh khiến cho tôi cảm thấy từ đáy lòng mình một sự tâm đầu ý hợp đặc biệt.
Vào thời Chiến Quốc ở Trung Quốc, Mạnh Tử nêu cao lý tưởng “vương đạo” của ông. Mạnh Tử từng chỉ rõ, kẻ nào dùng vũ lực hoặc quyền mưu thuật số để tìm kiếm vinh hoa cho cá nhân mình, lợi dụng người khác để đạt mục đích, thì đều là “bá đạo”. Ngược lại, ai mưu cầu hạnh phúc cho đại đa số người bằng con đường quang minh chính đại, bằng “sức hấp dẫn của nhân cách”, thì gọi là “vương đạo”.
Khi bóng tối của thời đại còn khá dày đặc, đó chẳng phải là nguyên nhân làm cho nhiều kẻ như thế mơ tưởng mưu cầu “bá đạo” hay sao? Chỉ những ai không thiết tha với trò tranh danh đoạt lợi, có niềm tin vững vàng, thì mới tiến bước trên con đường lắm chông gai mà thôi.
Một năm sau khi nguyệt san Triều dâng ở Nhật Bản và Minh báo ở Hồng Công đăng tải nội dung đàm đạo giữa hai chúng tôi, tại cuộc tái ngộ giữa tôi với Kim Dung tiên sinh tại Hồng Công, tiên sinh có nói: “Chúng ta hãy tiếp tục các cuộc đàm đạo, đăng tải nội dung đàm đạo!” “Sau khi in tập I, rồi tập II nội dung đàm đạo, mười năm sau hai chúng ta sẽ tiếp tục in tập III!” Tinh thần hăng hái nhường ấy thật khiến người ta phải kính nể.
Đó cũng là kỳ vọng của tôi. Năm nay Kim Dung tiên sinh 73 tuổi, tôi cũng đã 70 tuổi. Đã cách rất xa cái thời Đỗ Phủ viết “Nhân sinh thất thập cổ lai hy” (Sống đến bảy mươi, xưa nay hiếm) , mà chúng tôi vẫn còn trẻ. Bắt đầu đàm đạo về văn chương, sau đến vấn đề Hồng Công, tình thầy trò, quan niệm sống chết của Phật giáo, luận về văn minh, nhớ lại thời trẻ trung v.v… Chúng tôi trò chuyện hăng hái, cầu đồng tồn dị (tìm điểm giống nhau, giữ điểm khác nhau), có thể nói là không chuyện gì không đề cập!
Nhân sinh hà xứ bất tương phùng (bây giờ chia tay, hẹn ngày gặp lại). Lộ trình mới đang chờ chúng ta ở phía trước. Bởi vậy, nội dung đàm đạo được ghi lại ở đây giống như các cột mốc hoặc cột cây số trên con đường “đối thoại” của chúng tôi.
Từ đáy lòng, tôi cầu chúc cho Hồng Công mà tôi yêu mến sau khi trở về Tổ quốc sẽ tiếp tục phát triển phồn vinh, mãi mãi hạnh phúc!
Lần này Nhà xuất bản Đại học Bắc Kinh có nhã ý xuất bản nội dung các cuộc đàm đạo giữa Kim Dung tiên sinh với tôi. Trường đại học Bắc Kinh là trường cao nhất của Trung Quốc, nổi tiếng thế giới, tôi và Kim Dung tiên sinh đều được bầu là giáo sư danh dự của Trường đại học Bắc Kinh. Hôm nay lại đúng dịp kỷ niệm 100 năm của trường, cuốn sách này coi như món quà mọn của chúng tôi mừng ngày lễ đó. Kính mong trường đại học Bắc Kinh mãi mãi trẻ trung trong lĩnh vực khoa học giáo dục, không ngừng dũng mãnh tiến lên.
(Bản tiếng Nhật của cuốn sách này được xuất bản tại Nhà xuất bản Tokyo, bản Trung văn được xuất bản tại Nhà xuất bản Minh Hà, Hồng Công; được Nhà xuất bản Viễn Lưu phát hành tại Đài Loan; ở nội địa Trung Quốc thì do Nhà xuất bản Đại học Bắc Kinh xuất bản).