Vui lòng nhấp vào liên kết bên dưới để tải Ebook.
Giới Thiệu Sách:
Một Thời Máu Và Hoa – Phần 2 – Xuân Tùng
Anh Hải hy sinh rồi. Cán bộ đại đội thiếu nghiêm trọng. Không hiểu sao Ban cán bộ trung đoàn
chưa chuẩn bị được người thay thế. Hoặc cũng có thể vì mọi người ngán cái tiếng “sát cán bộ” của
tiểu đoàn 4 chăng? Anh Sơn, anh Được chính trị viên phải động viên mãi, Cáp đen – đương nhiệm anh
nuôi đại đội 2, quân hàm thượng sỹ mới nhận chức vụ đại đội phó. Anh Cáp vào cùng đoàn Quảng
ninh, lính 74 như anh Hải. Trong trận thông đường ở Ô Đôngk, khi đi đưa cơm cho đại đội 2 từ hồ
“Thiên nga” về. Thấy lính tiểu đoàn 8 cứ lom khom bò dưới chân lộ khi địch bắn rát, trong khi cán bộ
trung đoàn thì vẫn đứng trực tiếp chỉ huy mấy khẩu đội DKZ.75 ngay trên mặt lộ. Bố này ngứa mắt
quá, tự nhiên nổi hứng mới quát :” Lính tráng cà chớn? Mới thế mà đã chúi thì đánh đấm gì?”. Bộ dạng
cao lớn lòng khòng trong bộ quần áo vàng đất còn dính nhọ nồi. Tóc tai thì dài cợp, bờm xờm phủ
xuống trùm gáy. Cứ như một nhân vật từ “Thuỷ Hử” từ rừng xanh vừa bước ra đường. Bộ đội tiểu
đoàn 8 lúc đấy mới nhổm hết cả dậy. Bên trung đoàn 3 xì xào hỏi nhau đấy là ai thì nhận được câu trả
lời luôn :” Nó là thằng anh nuôi tiểu đoàn 4 ấy mà!”. Câu chuyện thủ trưởng trung đoàn 3 mắng lính.
Lấy câu chuyện đại đội 2 đánh rẽ vây mấy lượt cho d8 để làm gương và chuyện hôm ấy của Cáp đen
về sau trở thành giai thoại. Mỗi một đơn vị đều có một “thương hiệu” riêng đấy các bạn ạ! Có thể địch
cũng biết rõ “thương hiệu“ lỳ của trung đoàn tôi từ hồi chiến tranh biên giới kia. Nên khi trung đoàn
tôi đứng chân ở đâu, chúng nó cũng ít tập kích hơn các đơn vị khác.
Lên làm cán bộ chỉ huy đại đội rồi, chất “Lương sơn bạc” của anh này vẫn thế. Anh Được bảo viết
đơn xin vào Đảng, bác này dềnh dàng mãi. Sau thì bệ nguyên lá đơn mẫu của ai đó, sai thằng cu liên
lạc viết lại. Chỉ thay mỗi tên tuổi quê quán…rồi ký đại. Đi họp quân chính tiểu đoàn thỉnh thoảng vẫn
chơi nguyên cái bộ quân phục vàng đất từ “thuở hàn vi” anh nuôi nhọ đít đó. Mấy ông “chính tắc” có
nhắc thì gân cổ lên vặn lại luôn :” Ơ này! Ông tưởng địch nó phát cho tôi bộ này chắc?” rồi cười hơ
hớ. Nói về cái bộ quân phục có màu đặc biệt này một chút. Thời đó trong kỳ lĩnh quân trang bổ sung
rất nhiều thằng dính bộ này. Giá mà đem phát cho lính Mỹ trên sa mạc Iraq thì hợp nguỵ trang hơn.
Màu đã đặc biệt, vải lại càng đặc biệt. Dệt kiểu đan nong mốt như bọn trẻ con làm thủ công và mỏng
thì thôi rồi! Giặt qua một lượt hết lớp hồ vải thì nó nhẽo nhèo nhèo. Đưa cho mấy nhà thời trang bây
giờ thiết kế mẫu style sun sun mùa hè thì hợp. “Ta may áo làm sao cho kỹ. Cho chiến sĩ ta vừa ý đẹp
lòng…”. Bài ca may áo của nhạc sĩ Xuân Hồng chỉ để hát cho vui mà thôi, chứ không có tác dụng với
các bác thầu quân nhu thời đó. Cũng có thể vì mình lúc đấy còn nghèo quá? Mãi sau đến năm 1981 thì
mới đỡ hơn đôi chút.
Quần áo quân trang thì như thế rồi. Còn gạo nước lương thực không có lý do để phàn nàn. Năm đấy
cả nước mình ăn độn chứ còn chúng tôi không bao giờ thiếu gạo. Mỗi tháng đôi kỳ, Cả tiểu đoàn ra ga
Bâmnak lĩnh gạo. Lính thằng ốm, thằng bị thương hoặc đi học này nọ nên quân số thực bao giờ cũng
nhỏ hơn quân số trong sổ sách. Thế là gạo lĩnh thường là thừa ra. Giải quyết lượng thừa này thế nào?
Đơn giản thôi! Các đại đội ra lĩnh quăng lại một hai bao ngoài “cơ sở” trong dân đổi rượu mang về
dùng dần. Nhớ nhất có lần lính bắn được con heo rừng chửa nặng hơn tạ. Gần nửa đêm khiêng về đội
hình đại đội liền ngả ra đun nước làm lông ngay. Mồi quá chuẩn rồi, chỉ còn thiếu mỗi chất cay. Thế
này thì tức chết đi được! Ăn vã à? Ờ! Thế là Cáp đen hô một tổ 5 thằng bố trí hoả lực, xung lực cẩn
thận băng rừng ra dân lấy rượu. Đơn vị lúc đó mới được bổ sung tân binh. Toàn anh em lính Nam quê
Bến Tre, An Giang, Vĩnh Long… Nhậu giời gầm luôn! Vừa nghe tới rượu, chúng nó hô xung phong ầm
ầm. Dốc hết đồ trong ba lô ra. Tống vào đấy cái can vàng 5 lit. Năm đứa đi năm can trên lưng, một
M.79, một B.40, ba AK với đầy đủ bao xe. Được rồi! Mười bốn cây số cả đi cả về mà chúng nó hành
quân chỉ mất có hơn hai tiếng đồng hồ. Về gần đến đội hình còn bắn “bắt liên lạc” tử tế. Ở nhà tất cả
đã sẵn sàng. Nhậu thôi! Rượu dốc ồng ộc ra bát thẳng từ miệng can. Này thì quê hương “Đồng khởi” –
Z… ô! Này thì Hải phòng – Đà nẵng kết nghĩa – Z…ô! Này Hà nội Huế Sài gòn thương quá – Z…ô!
Rượu vào hừng hực, hơi men chuếnh choáng. Những bàn tay đập sầm sập xuống sạp, những cái thìa gõ
thật lực vào ca inox, vào báng súng theo nhịp bài hát hát Sơn tinh- Thuỷ tinh đã được chế lại rất thịnh
hành khi đó :” Sáng sớm hôm sau, đây đó xuất hiện hai thằng, hai- hai thằng. Z…ô! Vai mang AK, một
tay- một tay nâng chén. Z…ô! Đẹp trai ngang nhau. Tài ba ngang nhau. Z…ô! Vua Hùng khó phân-
khó- khó phân…!” Z…ô! Z…ô! Z…ô! Thằng thông tin kia chạy đi đâu? Đã có lệnh rút đâu mà chạy?
Quay lại! Cho nó băng nữa! Không thì đổ vào đầu nó! Cứ thế! Tôi đã líu cả lưỡi, loạng choạng mò
xuống bếp với cái đầu đẫm rượu. Mở cái vung nồi nhôm đang nấu cháo, thấy cả cái bọc bao tử heo
chúng nó mới vừa tống vào. Chẳng còn biết sống hay chín, múc ngay một trong những cái bọc trong
suốt. Trong đó cái bào thai heo lớn hơn con chuột nhắt vẫn còn trắng đục húp đánh soạp một cái. Lần
mò vịn theo cái lan can về lán chỉ huy. Quăng xác lên sạp, còn hồn du tiên lên chín tầng trời…
Chà! Viết đến đây lại thấy nhạt mồm quá! Cả nhà ạ! Bây giờ tôi vẫn nhớ cái không khí uống
rượu ngày đó. Hào sảng lắm! Khoáng đạt lắm! Thương lắm! Không giống ba cái tiệc ngoại giao
bây giờ tý nào!