Vui lòng nhấp vào liên kết bên dưới để tải Ebook.
Giới Thiệu Sách:
Biết Người, Dùng Người, Quản Người – Tạ Ngọc Ái
BIẾT NGƯỜI, DÙNG NGƯỜI, QUẢN NGƯỜI là cuốn sách thuộc tủ sách kiến thức xã hội giới thiệu những bí quyết để hiểu biết về con người, đối sách sử dụng người và phương sách quản lý con người một cách khoa học thực tiễn và hiệu quả.
Với nội dung phong phú, văn phong giản dị, dễ hiểu, giàu tính thông tin tri thức, cuốn sách sẽ giúp bạn:
– Phương pháp hiểu thấu: tư chất, năng lực, nhân cách của một con người;
– Từ đó có đối sách ứng xử và dùng người đúng việc, đúng cách, đúng chỗ;
– Cuối cùng là phương pháp quản lý con người, đây chính là vấn đề quan trọng để nâng cao tố chất, uy tín, năng lực của người lãnh đạo quản lý.
Từ khi có loài người, hiểu người đã trở thành một khả năng sinh tồn của con người. Vòng đời xoay chuyển, năm tháng vội vã trôi đi mang theo bao nhiêu kí ức, nhưng những người mà chúng ta đã tìm hiểu thì luôn sống mãi, như mới hôm qua. Tháng năm đã tôi luyện cho chúng ta một đôi mắt tinh tường, giỏi nhìn người, giúp chúng ta nhìn được từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong, nhìn gần biết được nhân tâm, nhìn xa biết được nhân khí, giúp chúng ta hiểu được cấp trên để bảo vệ mình, để phát triển, hiểu được cấp dưới để có được nhân tài, để dùng cho người tốt. Kinh nghiệm mách bảo chúng ta rằng “Đường xa biết sức ngựa, ngày dài hiểu lòng người” và “Vàng thật không sợ lửa, lúc gian nguy gặp chân tình”. Hiểu người là một môn học lớn mà ta học mãi không hết và dùng mãi cũng không cạn.
Phương pháp hiểu người (thuật nhìn người) trong phần này cho chúng ta biết: Muốn hiểu được người trước hết phải hiểu được mình, muốn hiểu người phải đoán được lòng người; hiểu người một chốc lát, dùng được trong lúc cấp bách, hiểu người cả cuộc đời, dùng được mãi mãi.
Cuốn sách cho bạn biết những phương pháp quan trọng để nhận biết người, phải nhanh trí, tỉnh táo khi dùng người. Phải nhận biết được cấp trên, cấp dưới, nhận biết từ dáng vẻ bên ngoài, đến nội tâm bên trong, nhận biết người từ xa đến gần; nhận biết người theo thế lực, theo thời cuộc, nhận biết người lúc nhỏ, nhận biết người lúc lớn, nhận biết người lúc thiện, nhận biết người lúc ác. Mọi người trong thiên hạ học được cách biết người này có thể thấy rõ hết mọi chuyện, việc biết người sẽ thông đồng bén giọt.
Biết mình biết người trăm trận trăm thắng. Dùng người, nếu lấy mình làm thước đo, lấy người làm gương, biết mình để làm tốt công việc của mình, biết người để dùng người cho tốt thì sẽ luôn giữ được thế thượng phong.
Dù là người có khả năng nhìn xa nghìn dặm cũng không nhìn được lông mi của chính mình. Đây quả là “khổ vì không nhìn thấy mình, không hiểu được mình”. Còn người thực sự hiểu mình thì vừa có khả năng tự nhìn thấy mình, lại vừa có khả năng kiềm chế được mình.
Bính Nguyên là người Đông Hán vốn uống được rất nhiều rượu, nhưng từ khi đi du học, trong vòng 8 – 9 năm ông không hề uống một giọt rượu nào. Ông cõng trên lưng một hòm sách, bôn ba khắp nơi tầm sư học đạo, ông tôn Hàn Tử Trợ (người Trần Lưu), Trần Trung Cung (người Dĩnh Xuyên), Phạm Mạnh Bác (người Nhữ Nam), Lô Tử Bình (người Trác Quân) làm thầy. Lúc thầy trò chia tay, mọi người cứ ngỡ Bính Nguyên không uống rượu nên ép ông ăn nhiều thức ăn, nhưng Bính Nguyên nói “Tôi vốn uống được rất nhiều rượu, nhưng chỉ vì rượu mà sao nhãng chuyện học hành nên đã bỏ rượu, còn hôm nay chia tay cùng thầy bạn, lại thấy mọi người vất vả đến tiễn biệt, Bính Nguyên tôi cũng nên uống vài chén để tỏ lòng biết ơn”. Và cả ngày hôm đó họ cùng vui với nhau mà Bính Nguyên không hề say. Qua câu chuyện trên ta thấy Bính Nguyên sau khi biết mình, đã kiềm chế được mình để làm người, ông thực sự là một người hiểu mình.
Có rất nhiều người thực ra rất có tiềm năng phát triển, nhưng vì không đánh giá đúng khả năng của mình mà cả đời làm công việc không phù hợp với mình, như vậy quả là đáng tiếc.
Dã Xuyên là một viên chức Nhật Bản, 30 tuổi. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh làm nhân viên thống kê cho một công ty hạng trung. Công việc đơn điệu buồn tẻ, khiến anh ta luôn trong tâm trạng chán chường. Cho đến khi anh đọc được một cuốn sách tâm lý nói về cách tạo ra hình ảnh cho chính mình, anh hiểu ra rằng khả năng của anh không chỉ dừng lại ở công việc hiện tại, bởi công việc đó không phát huy được tài ăn nói và khả năng tạo niềm tin cho mọi người. Và thế là không chút do dự, anh chuyển sang làm nghề môi giới địa ốc. Quả nhiên công việc đó đã mang lại cho anh một cảm giác mới và anh đã thành công. Làm thế nào để hiểu được đúng chính mình, điều này đối với nhiều người thật không dễ chút nào, đối với những người chưa từng thành công, không lấy thành bại luận anh hùng, không lấy những tiêu chuẩn đương thời làm thước đo sự thành bại, thật hiếm lắm thay! Bethoven khi còn sống đã không được phái chính thống công nhận những tác phẩm của mình khiến ông rơi vào thế bế tắc. Nhưng ông đã không lấy những tiêu chuẩn thời đó làm thước đo cho sự thành bại của mình, cuối cùng đã được xã hội công nhận. Điều đó cũng chứng tỏ sự “hiểu mình”.