Vui lòng nhấp vào liên kết bên dưới để tải Ebook.
Giới Thiệu Sách:
Con Sư Tử Vàng Của Thầy Pháp Tạng – Thích Nhất Hạnh
Kim Sư tử Chương là một tác phẩm rất ngắn của thầy Pháp Tạng nhưng đã bao hàm được giáo lý của kinh Hoa Nghiêm, một kinh Đại thừa. Tông phái Hoa Nghiêm được thành lập dựa trên giáo lý của kinh Hoa Nghiêm và đã xiển dương giáo lý duyên khởi tới mức tròn đầy. Ngoài tông Hoa Nghiêm, Trung Quốc còn khoảng mười tông phái Phật giáo, tất cả chúng ta đều nên tìm hiểu nội dung của mười tông phái đó.
Tông Hoa Nghiêm thừa hưởng nhiều giáo lý của các ngài Mã Minh và Long Thọ, nên có khi người ta nhận hai ngài là hai vị tổ đầu tiên; nhưng kỳ thật sơ tổ của tông Hoa Nghiêm là thầy Đỗ Thuận. Sau thầy Đỗ Thuận là các thầy Trí Nghiễm, thầy Pháp Tạng, thầy Trừng Quán và thầy Tông Mật; cả năm thầy ấy được gọi chung là Hoa Nghiêm Ngũ Tổ.
Thầy Pháp Tạng sinh năm 643 và tịch năm 712, là người gốc Khương Cư (Sogdian) như thầy Tăng Hội cho nên có thể gọi thầy là Khương Pháp Tạng giống như ta gọi thầy Tăng Hội là Khương Tăng Hội vậy. Năm 21 tuổi, thầy Pháp Tạng tuy chưa xuất gia nhưng đã theo học với thầy Trí Nghiễm. Tới năm 28 tuổi, có lẽ không có duyên được trực tiếp làm đệ tử thầy Trí Nghiễm nên khi xuất gia, thầy làm đệ tử thầy Bạt Trần.
Thầy Pháp Tạng biết nhiều thứ tiếng, trong đó có tiếng Phạn, nên đã tham gia dịch rất nhiều kinh như kinh Hoa Nghiêm, kinh Lăng Già và hàng chục bộ kinh khác tại trung tâm dịch thuật kinh điển từ tiếng Phạn ra chữ Hán. Trung tâm này do thầy Nghĩa Tịnh được vua Đường khuyến khích thành lập sau khi thầy đi Ấn Độ về.
Tuy là tổ thứ ba nhưng phải nói thầy Pháp Tạng là người có công nhiều nhất trong sự nghiệp thành lập tông Hoa Nghiêm (“Pháp Tạng”có nghĩa là kho tàng của chánh pháp). Thầy đã hệ thống hóa giáo lý Hoa Nghiêm một cách rất thông minh và đã giảng kinh Hoa Nghiêm tới ba mươi lần.
Nữ hoàng Võ Tắc Thiên rất thích nghe thầy Pháp Tạng thuyết pháp; một hôm bà đã mời thầy vào cung giảng kinh. Thấy trong cung có một con sư tử bằng vàng, vậy là thầy cầm lên và lấy nó làm ví dụ để giảng về giáo lý Hoa Nghiêm cho nữ hoàng nghe. Sau buổi ấy, thầy về chùa và ghi chép lại những điều mình đã giảng. Đó chính là tác phẩm Hoa Nghiêm Kim Sư tử Chương.