Vui lòng nhấp vào liên kết bên dưới để tải Ebook.
Giới Thiệu Sách:
Văn Hóa Sử Nhật Bản – Ienaga Saburou
Nhật Bản là một quốc gia phát triển, giàu mạnh hiện đại. Sản phẩm công nghiệp của Nhật nổi tiếng về chất lượng và được nhiều người trên thế giới yêu chuộng. Nhưng trước thời kỳ Minh Trị duy tân, Nhật cũng chỉ là một quốc gia phong kiến nghèo khổ hơn cả Việt Nam chúng ta thời đó.
Trước sự bành trướng của các thế lực Âu châu hùng mạnh, các nước Á châu chỉ có thể nghĩ ra được cách “bế quan tỏa cảng” để chống lại liệt cường Âu châu, nhưng cuối cùng đã bị liệt cường Âu châu xâu xé như Trung Quốc hoặc bị thành thuộc địa như Việt Nam. Tại sao ở Á châu chỉ có Nhật Bản đã lợi dụng được sức mạnh của người khác để cận đại hóa quốc gia, tạo ra một nước Nhật hùng cường như ngày nay.
Người ta thường bảo một dân tộc, một quốc gia có thể phát triển được hay không, điều nầy tùy thuộc lớn lao vào cách suy nghĩ, sinh hoạt xã hội, nói một cách vắn tắt là văn hóa của dân tộc đó, quốc gia đó.
Ở đây tôi xin dịch và chú thích quyển “Văn hóa sử Nhật Bản” do giáo sư Ienaga Saburou (giáo sư trường “Đại học sư phạm Toukyou”, nay là trường đại học Tsukuba) viết xuất bản vào năm 1982 (bản 2) để giới thiệu cùng bạn đọc vài nét đại cương về văn hóa của Nhật Bản.
Đối với những người nghiên cứu về Nhật Bản, đầu đề “tại sao Nhật Bản đã nghĩ ra và đã thực hành được 2 chữ “duy tân” vào khoảng 140 năm về trước, trong lúc không có nước nào nghĩ ra được”, là một đầu đề hết sức khó khăn.
Với ý nghĩa đó, quyển sách nầy được dịch ra với mục đích giúp bạn đọc có một kiến thức thường thức về văn hóa Nhật Bản, và nếu nó là một kích thích khiến bạn đọc muốn biết sâu hơn về Nhật Bản, để rồi một ngày nào đó có người đưa ra lời giải cho đầu đề nói trên để tham khảo trong việc kiến thiết đất nước, thì đó chính là điều hạnh phúc của tôi.
Sau cùng tôi xin cảm ơn tất cả anh em, gia đình và những người thân yêu của tôi đã hết lòng giúp tôi trong việc hoàn thành quyển sách nầy.
Trước đây người ta thường coi lịch sử bắt đầu từ khi quốc gia được thành hình. Ở thời đại mà dân chúng phải quì phục trước quyền lực của quốc gia thì thời đại chưa có quốc gia bị coi là thời đại của những con vật chưa được gọi là con người. Nếu dạy cho người ta biết rằng, trong thực tế, đã có thời đại không có quốc gia, thì chẳng khác nào như dạy rằng quốc gia không nhất thiết cần cho đời sống của nhân loại, và từ đó có thể đưa đến một tư tưởng nguy hiểm, hy vọng trong tương lai thời đại không có quốc gia sẽ tái sinh. Thời tiền chiến ở Nhật, lịch sử của xã hội nguyên thủy hoàn toàn không được đề cập đến trong các sách giáo khoa ở cấp tiểu học hoặc cấp trung học, một cớ trực tiếp vì lịch sử Nhật được viết từ những huyền thoại thần thánh, cho nên xã hội nguyên thủy đã không có chỗ đứng trong lịch sử. Nhưng trong thực tế, căn bản là do ở những ý đồ sâu sắc như đã nói ở trên.
Song song với việc đó còn có thói quen coi lịch sử bắt đầu từ lúc có văn hiến, gọi thời đại chưa có văn hiến là thời tiền sử. Nói một cách cụ thể, trong nhiều trường hợp, thời đại không có quốc gia bị xem là thời đại tiền sử như đã nói ở trên, và xã hội nguyên thủy được xếp vào thời tiền sử.