Vui lòng nhấp vào liên kết bên dưới để tải Ebook.
Giới Thiệu Sách:
Chẩn Đoán Học Y Đạo – Chơn Nguyên
CHẨN ĐOÁN HỌC ĐẠI QUAN
I. XÂY DỰNG MỘT CÔNG CỤ KHÁM PHÁ
1. Hai cách dạy và học
Tổng kết toàn bộ nhân loại có hai đường lối để săn tìm lấy sự nghiệp hiểu biết.
Đường lối thứ nhất: Mọi người đều cảm thấy mình trống thiếu và lạc lõng, không cần nghĩ đến mớ bòng bong đang nằm sẵn trong bụng mình, hay sự nghiệp quá khứ nó có điều động mình hay không; cứ tha hồ thu nạp những gì thuộc hiểu biết của kẻ khác, của bên ngoài để bù đắp thêm cho cái Tôi của mình được càng ngày càng dồi dào sung túc. Để rồi guồng máy hiểu biết của con người trở thành một mớ bòng bong da lộn, nó chi phối lại con người, hay như một cuộn băng cứ tiếp tục thâu từng lớp; hoặc như cuốn phim nhiếp ảnh được chụp chồng lên mãi mãi không biết bao nhiêu lần. Để rồi trong mỗi một con người là cả một tập đoàn chúng sanh vĩ đại, nhiều loại khác nhau, quần tụ lại thành vô số mâu thuẫn. Đó là hậu quả của cách dạy và cách học lẫn nhau theo kiểu đầu tư kiến thức, để rồi phải bị gán cho là một thứ ngu thông thái, hay một thứ ngu hiểu biết cũng thế thôi! Phương cách này được ưa chuộng nhất. Số người theo gần như hầu hết, và trung thành nhất, đa số là những người bán cầu bên kia (phương Tây).
Đường lối thứ hai: Tận tự bao giờ đã có một số người từng khám phá thấy được con người, cũng như vạn hữu, chỉ là kết tinh từ bao la vô tận tựa như mây lưng trời, như trăng đáy nước, như bóng ở vách dưới ánh đèn đêm, như hoa trong gương, như tia chớp lòe, như vang của tiếng, như người trong xi-nê, như với bao la không hề có kẽ hở, như con số không chưa viết… Nếu đừng có cái Tôi phi lý xen vào thì con người có thể tựa như một bóng nước đang bay, mà tất cả hình ảnh của bao la vô tận đều có thể xuyên suốt vào, không cần phải chứa vựa. Đến đó, con người với bao la vô tận trở thành đồng nhất. Từ đây con người mới có đủ tư cách gạn lọc, thu nạp và cuối cùng sẽ kết thành một kho tàng hiểu biết trí tuệ tuyệt vời. Đường lối này nhà Phật mệnh danh là vô niệm, vô tướng, vô trụ và vô đắc. Đường hướng này số người đi theo chỉ là muôn một. Mặc dù chỉ có số người đồng ý tin tưởng tối thiểu, nhưng không vì thế mà nó không phải là một đường lối chính xác nhất! Đa số những người trung thành với đường hướng này thường thuộc người bán cầu bên này (phương Đông).
Thế là hầu hết nhân loại đều thích làm theo thể toán cộng, còn số ít theo hình thức toán trừ. Nhưng trên ý nghĩa thượng tầng toán lý hóa, thì càng cộng càng chia, càng trừ thì càng nhân. Đây quả là một diệu lý mà không được mấy ai để ý!
2. Dư luận về con người
Có người bảo: Con người chỉ là một sinh vật không hơn không kém. Có người lại bảo: Con người bất quá chỉ là một hình nộm bằng máy. Có người lại bảo: Con người là một bầu trời đất nhỏ. Lại có người bảo: Con người là một kho tàng vô cùng tận. Quá quắt hơn nữa có người lo: Không khéo rồi loài người chúng ta sẽ trở thành một thứ khỉ thông thái, có nhiều khả năng lạ lùng, chớ không còn là con người đích thực nữa! Mỗi dư luận, mỗi cách, mỗi kiểu khác nhau nhưng vẫn có lý có cớ để phát biểu. Thậm chí có kẻ bảo: Con người là một sinh vật bị nhốt trong một tháp ngà có nhiều cửa tròn vuông ba góc, bốn góc, với kính lồi lõm xanh, vàng, trắng, đỏ khác nhau. Ở trong đó nhìn ra sự vật bên ngoài, trông thấy quả có trông thấy thật, nhưng vị tất đã là thật thấy?
Nhà Phật thì không nói là một sinh vật bị nhốt trong tháp ngà… mà nói là Phật Đa Bảo đã tịch, được cất trong tháp Đa Bảo. Khi mở cửa tháp được rồi, Phật Đa Bảo vẫn còn nguyên, không hề chết! Ở chỗ khác Phật không nói là tháp Đa Bảo, mà lại gọi là núi Lăng Già, núi này nổi lên giữa biển khơi, đá lởm chởm nhọn hoắt như gươm đao, những hang hóc trong ấy toàn là quỷ La Sát ở. Núi cao bao nhiêu, lúc bình minh không thể nhìn thấy ngọn, chỉ khi có những trận bão tố cuồng phong thì mới thấy đỉnh núi cheo leo cao vút, nhập tận tầng mây, chỉ có Phật, Bồ Tát mới có khả năng đến… Quả là một câu chuyện hàm súc, mỉa mai! Và còn, còn nhiều nữa, dẫu nói đến bao giờ cũng không hết.
Nay ta hãy thử trầm tư thí nghiệm, thâm nhập vào tận đáy lòng mình một cách chân thật, rồi nhìn ra mọi tầng lớp nhân loại chúng sanh cả thế giới, ta sẽ thấy mặc dù không ai bảo ai, nhưng chừng như tất cả đều biểu đồng tình rằng: Nếu cuộc sống mà đánh mất đi những phút giây ngầy ngật, chớp nhoáng giữa những cuộc truy hoan nam nữ là kể như đã đánh rơi đi mất hạnh phúc cuộc sống! Cụ thể hơn nữa, không cứ gì là vua chúa, công hầu khanh tướng, hay khố rách áo ôm, cứ hãy nhớ lại hình ảnh của mình trong những phút diễn trò phòng the đêm vắng cũng chỉ thế thôi! Như thế há không phải con người chỉ là một sinh vật không hơn không kém đó sao!
Xa hơn nữa, con người từ khi có cái Tôi đến giờ, tất cả những sự việc đã xảy ra, hoặc ưa hay ghét, đều thu nạp trọn vẹn hình bóng vào trong tâm khảm, để rồi trong đó không thiếu một loài nào. Nhóm nào mạnh, nhóm đó tạm thời làm chủ, chi phối trở lại thằng người, mà lương tri không thể nhất thời đối phó. Và mặc dù có khi lương tri hay trí óc đã hoàn toàn thừa nhận, nhưng đến khi giáp mặt với sự thật thì lại khác hẳn đi. Như thế không phải là một hình nộm bằng máy đó sao?
Ai đã từng thông qua tác phẩm Nội Kinh của cổ Trung Hoa, thâm nhập vào Phật pháp, hay đi sâu vào ngành nguyên tử học của khoa học kỹ thuật vật chất hiện thời, đều có thể nhận thấy ngoài trời đất có gì, trong con người đều thấy có thứ ấy. Cho nên đúng sự thật, con người không những là một bầu trời đất nhỏ mà là cả làn sóng hội tụ tận tự bao la thu hẹp lại nữa.