Nghệ thuật đánh giặc giữ nước của dân tộc Việt Nam
Tác Giả: Phạm Hồng Sơn
Thể Loại: Lịch Sử – Địa Lý
Vui lòng nhấp vào liên kết bên dưới để tải Ebook.
Giới Thiệu Sách:
Nghệ thuật đánh giặc giữ nước của dân tộc Việt Nam – Phạm Hồng Sơn
Sau khi giành được độc lập, xóa bỏ ách đô hộ của nhà Đường, qua các triều đại Ngô, Đinh, Lê, những cuộc xâm lăng từ phương Bắc liên tiếp nổ ra và đều bị quân dân ta đánh bại với những trận Bạch Đằng, Chi Lăng, Bình Lê. Tới thời nhà Lý đầu những năm 70 của thế kỷ XI, Tống Thần Tông với tể tướng là Vương An Thạch lại âm mưu xâm lược nước ta. Do bị thất bại năm 981, nên lần này chúng chuẩn bị cho việc xuất quân xâm lược rất chu đáo, hòng biến nước ta thành châu, quận của Trung Quốc. Lúc đó ở nước ta, dưới triều Lý Thánh Tông, Đại Việt quân hùng, tướng mạnh, quyết tâm bảo vệ Tổ quốc, vững chắc trong toàn dân. Lòng tin sắt đá đánh bại quân xâm lược đã hiện rõ qua bài thơ lịch sử của Lý Thường Kiệt:
Nam quốc sơn hà nam đế cư.
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
Tình hình đất nước như Trần Quốc Tuấn đã nói với vua Trần ngày 24 tháng 6 năm Canh Tý: “Vua Lý dựng nghiệp, quân Tống xâm lấn địa giới, lúc ấy dùng Lý Thường Kiệt đánh Khâm – Liêm, đến tận Mai Lĩnh đấy là có thế lực mạnh”. Với tư tưởng tích cực, lấy tiến công để tự vệ một cách chủ động, bằng một trận tiến công chiến lược đánh Khâm – Liêm và Ung Châu, Lý Thường Kiệt đã phá tan các căn cứ chuẩn bị tiến công của địch, rồi nhanh chóng rút về nước, chuẩn bị thế trận để phá cuộc tiến công xâm lược của nhà Tống với tư tưởng “phòng ngự tích cực rồi phản công”. Lý Thường Kiệt đã bố trí lực lượng phòng thủ từ biên giới và thiết lập trên bờ sông Như Nguyệt một chiến tuyến vững chắc sẵn sàng ngăn chặn đối phương để tạo thời cơ phản công đánh bại quân xâm lược.
“Đánh phá căn cứ chuẩn bị của địch”: chiến lược chủ động tiến công trong phòng thủ đất nước của Lý Thường Kiệt.
Vào những năm 1068 – 1076, nhà Tống lại âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa. Mục đích của cuộc xâm lược này là nhằm giải quyết những khó khăn về đối nội và đối ngoại, đồng thời lấn chiếm đất đai, mở rộng phạm vi của triều đình Tống. Năm 1068 Tống Thần Tông lên nối ngôi, đã cùng với tể tướng Vương An Thạch thi hành một số “cải cách”, nhưng ngay trong triều đình đã vấp phải nhiều sự chống đối, toàn dân oán ghét. Bên ngoài, cuộc chiến tranh với nước Liêu, Hạ bị sa lầy, kéo dài mấy chục năm cho mãi tới năm 1075 vẫn chưa kết thúc. Theo tính toán của nhà Tống, đánh nước Đại Việt để “nếu thắng, thế Tống sẽ tăng, các nước Liêu, Hạ sẽ phải kiêng nể”. Nhà Tống chuẩn bị rất chu đáo cho cuộc xâm lược lần thứ hai này. Chúng chuẩn bị kế hoạch một cách công phu, quyết định thành lập “An Nam chiếu thảo sứ” với một đạo quân viễn chinh lớn gồm nhiều vạn quân chủ lực tinh nhuệ tuyển từ phương Bắc, cùng hàng vạn kỵ binh và hàng chục vạn quân địa phương thuộc các tỉnh Nam Trường Giang. Triều đình Tống còn ra lệnh cho công khố xuất 600.000 lạng vàng để bảo đảm chi phí cho chiến tranh. Chúng ráo riết luyện tập quân đội xây dựng nhiều căn cứ quân sự và hậu cần ở hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây giáp biên giới Đông Bắc nước ta. Trong đó có thành Ung Châu (Nam Ninh – Quảng Đông) giữ một vị trí hết sức quan trọng. Thành Ung Châu được thiết lập thành một căn cứ xuất phát trọng yếu cho cuộc xâm lược. Từ đó đi đến các châu biên giới của ta là Quảng Nguyên (Quảng Uyên, Cao Bằng), Quang Lang (Ôn Châu – Lạng Sơn), Tô Mậu (Na Dương, Đình Lập, An Châu), đường bộ dài chừng 150 cây số. Cũng từ đó đến hai cửa biển Khâm Châu và Liêm Châu (Quảng Đông) có đường đi thuận lợi dài khoảng 120 cây số. Phía nam Ung Châu, sát biên giới nước ta, chúng đặt năm trại quân: Thành An, Thái Bình, Vĩnh Bình, Cổ Vạn, Thiên Long.
Nhà Tống còn thực hiện chính sách tạm thời hòa hoãn với hai nước Liêu, Hạ, thậm chí còn cấp đất cho người Liêu. Chúng còn mua chuộc lôi kéo Chiêm Thành ở phía Nam cùng tham gia cuộc chiến với chúng, dùng thế hai gọng kìm đánh Đại Việt. Đồng thời chúng tìm cách mua chuộc một số tù trưởng dân tộc thiểu số vùng biên giới phía Bắc nước ta làm nội gián, chia rẽ, phá hoại khối đoàn kết dân tộc của ta.
Những việc đó đã xảy ra vào đầu năm 1075, bộc lộ rõ ý định xâm lược nước ta của Vương An Thạch. Vả lại, hai năm trước đó có người Tống tên là Bá Tường, một nho sĩ đậu tiến sĩ không chịu ra làm quan cho nhà Tống đã gửi mật thư cho Lý Thường Kiệt: “… nghe rằng hiện nay nhà Tống muốn cử binh đi đánh Giao Chỉ”. Bởi thế bên ta đã nắm được khá đầy đủ tin tức về tình hình chuẩn bị chiến tranh của nhà Tống. Lúc này số quân Tống tập trung ở các căn cứ Ung, Khâm, Liêm khoảng 10 vạn đang luyện tập, song chúng chưa thể đánh ngay được vì số quân Hoa Nam này phần lớn là quân mới tuyển, chưa thiện chiến. Còn việc nhà Tống rút 45 ngàn cấm binh thiện chiến ở phương Bắc để lập đạo quân chủ lực, thì làm chưa xong.
Trước tình hình đó, Lý Thường Kiệt cho rằng: “Ngồi yên đợi giặc sao bằng đánh trước, đánh để bẻ gãy mũi nhọn của nó”. Chủ trương “Tiên phát chế nhân”, ông quyết định mở trận tiến công đại quy mô sang đất Tống.
Ngày 27-10-1075, cuộc tiến công bất đầu, với hai cánh quân khoảng 10 vạn người.
Các đạo quân theo đường bộ từ Quảng Nguyên, Quang Lang, Tô Mậu do Tôn Đản, Hoàng Kim Mãn, Thân Cảnh Phúc, Lưu Kỷ, Vi Thủ An là những thủ lĩnh của các dân tộc thiểu số chi huy, chia thành nhiều mũi, vượt biên giới, bất ngờ tiến công vào toàn bộ hệ thống đồn trại quân Tống. Trước sức mạnh tiến công mãnh liệt bất ngờ của ta, quân Tống không sao chống đỡ nổi, hàng ngũ rối loạn, ngoài số bị chết, bị bắt, số còn lại vội vã bỏ đồn trại tháo chạy về Ung Châu, quân ta tiếp tục tiến công truy kích, triệt phá các đồn trại trên đường, thừa thắng tiến lên hợp quân vây đánh thành Ung Châu.