Vui lòng nhấp vào liên kết bên dưới để tải Ebook.
Giới Thiệu Sách:
Trí Tuệ Kinh Doanh Và Lý Thuyết Trò Chơi – Nhiều Tác Giả
Kể từ khi ra đời đến nay, lý thuyết trò chơi ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu bởi tính ứng dụng cao của nó trong mọi lĩnh vực, kinh tế, sinh học, triết học, tâm lý…
Cuộc sống là một trò chơi. Bạn – với tư cách là người chơi – sẽ chơi như thế nào và chơi với tâm thế ra sao? Mỗi lựa chọn của bạn sẽ dẫn đến những kết quả xác định, vì vậy bạn phải tỉnh táo, đầy mưu lược và phải có tầm nhìn xa trông rộng. Cuốn sách Trí Tuệ Kinh Doanh và Lý Thuyết Trò Chơi giới thiệu gần 100 chiến lược áp dụng lý thuyết trò chơi nhằm giúp bạn đưa ra quyết định sáng suốt trước mỗi lựa chọn trong kinh doanh và trong cuộc sống.
Những câu chuyện minh họa sinh động cùng những phân tích dễ hiểu mà sâu sắc trên cơ sở lý thuyết trò chơi sẽ giúp bạn nắm vững nghệ thuật ra quyết định và giành chiến thắng ngoạn mục trong mọi trận chiến cuộc đời.
Lý thuyết trò chơi (game theory) là nhánh của toán học ứng dụng nghiên cứu các tình huống chiến thuật, trong đó các đối thủ lựa chọn những hành động khác nhau nhằm cố gắng tối ưu hóa kết quả đạt được.
Trò chơi là một sách lược lựa chọn trong cạnh tranh, khi so sánh lợi thì chọn cái có lợi hơn, khi so sánh hại thì chọn cái ít có hại hơn, nhằm mục đích giành “chiến thắng”. Nhưng, làm thế nào để giúp mình chiến thắng? Đó là vấn đề mà “lý thuyết trò chơi” phải giải quyết.
Cuộc sống chính là một quá trình không ngừng lựa chọn, không ngừng tham gia các trò chơi. Nếu biết vận dụng trí tuệ và giành chiến thắng trọn vẹn trong trò chơi thì bạn đã thành công theo đúng nghĩa. Với kết cấu chặt chẽ, thông qua những câu chuyện sinh động. Cuốn sách trình bày và phân tích gần 100 trò chơi trí tuệ được hầu hết những người thành công trên thế giới áp dụng, nhằm giúp bạn chuẩn bị hành trang xử thế trong cuộc sống thường ngày cũng như trong hoạt động kinh doanh.
CHƯƠNG 1: LỰA CHỌN LÀ MỘT TRÒ CHƠI
THOÁT KHỎI SỰ VƯỚNG VÍU CỦA CHI PHÍ CHÌM
TINH HOA TRÍ TUỆ
Làm thế nào để thoát khỏi sự vướng víu của chi phí chìm?
Một là phải đưa ra quyết sách một cách thận trọng và nắm vững thông tin, từ đó đánh giá toàn diện mặt lợi và hại; hai là khi không thành công, phải chấp nhận hiện thực nhằm tránh tổn thất lớn hơn.
GIAI THOẠI
Để hưởng ứng lời kêu gọi “giáo dục tố chất” của nhà nước, một bà mẹ bỏ ra 1.500 tệ mua đàn điện tử cho con. Nhưng đứa con vốn hiếu động, không thích học nhạc nên cây đàn điện tử đành xếp xó hứng bụi. Không lâu sau, bà mẹ nghe một đồng nghiệp nói có quen một thầy dạy nhạc giỏi xuất thân từ học viện âm nhạc nên lập tức mời người này làm gia sư. Lý do của bà rất đơn giản: Đàn đã mua rồi thì phải học, chi bằng mời một gia sư đến dạy, không thì phí cây đàn! Thế là mỗi tháng bà mẹ lại mất thêm 600 lệ phí gia sư, liên tục trong 6 tháng (tổng cộng 3.600 tệ) nhưng cuối cùng vẫn bỏ cuộc.
Vì không muốn lãng phí cây đàn điện tử 1.500 tệ, bà mẹ lại lãng phí thêm 3.600 tệ một cách vô ích.
PHÂN TÍCH THEO LÝ THUYẾT TRÒ CHƠI
Trong lý thuyết trò chơi, chúng ta gọi những chi phí đã phát sinh, không thu hồi lại được như thời gian, tiền bạc, năng lượng… là chi phí chìm (sunk cost). Chi phí chìm là chi phí bạn bỏ ra trước khi chính thức hoàn thành giao dịch; một khi giao dịch không hoàn thành, bạn sẽ bị mất trắng. Nhưng nếu quá luyến tiếc chi phí chìm, bạn sẽ tiếp tục sai lầm và nhận lấy thiệt hại lớn hơn.
Chi phí chìm có ảnh hưởng to lớn đến việc ra quyết sách khiến nhiều nhà đầu tư sáng suốt cũng phải bối rối. Nhiều khi chúng ta bắt đầu làm một việc, đến nửa chừng phát hiện thấy không nên làm, nhưng khi đó, chi phí bỏ ra đã quá nhiều. Suy đi nghĩ lại, chúng ta chỉ có thể tiếp tục làm. Nhưng trên thực tế, việc tiếp tục thường sẽ gây thiệt hại lớn hơn.
GIAI THOẠI
Thuở nhỏ, Lý Dương là một người rất nhút nhát. Tuy nhút nhát, Lý Dương rất chăm học nên đã thi đậu vào Đại học Lan Châu. Mặc dù vậy Lý Dương vẫn rất nhút nhát, thậm chí còn bỏ tiết vì sợ gặp người lạ. Suýt chút nữa anh đã bị Đại học Lan Châu mời ra khỏi trường.
Khi ấy, kết quả môn tiếng Anh của Lý Dương rất tệ. Anh thường phải thi lại mới đạt yêu cầu.
Năm thứ hai đại học, anh buộc phải tham gia kỳ thi cấp 4 tiếng Anh toàn quốc, nếu không sẽ không lấy được bằng tốt nghiệp.
Lần này, Lý Dương buộc phải vượt khó. Mỗi buổi sáng, anh đều đi học tiếng Anh. Học xong, anh đến những góc khuất nhất trong vườn trường để tập đọc. Sau vài tuần như vậy, anh dần tự tin hơn.
Từ đó, cứ có thời gian là Lý Dương lại đến những nơi đông người rồi nói thật to như một gã khùng. Có khi, anh còn đi giày lao công, mặc quần rộng thùng thình, đeo khuyên tai, ra sức gào thét trong vườn trường.
Sau đó, để tạo nên bước đột phá, Lý Dương viết một bản thuyết trình về những cảm nhận trong việc học tiếng Anh. Anh nhờ bạn học giúp mình dán thông báo rằng có một người tên là Lý Dương muốn tổ chức một cuộc tọa đàm về tiếng Anh…