Vui lòng nhấp vào liên kết bên dưới để tải Ebook.
Giới Thiệu Sách:
Tứ Thơ – Đại Học – Nhiều Tác Giả
Đại học vốn là một thiên trong sách Lễ kí (là thiên thứ 42 trong 49 thiên của sách này). Là một trong các tác phẩm của Nho gia, tương truyền là do Tăng Tử làm ra. Trịnh Huyền thời Đông Hán nói rằng: “Danh viết Đại học giả, dĩ kì kí bác học, khả dĩ vi chính dã” (Gọi là Đại học, vì nó ghi chép việc học rộng lớn có thể làm được chính sự Lễ kí chú); Khổng Dĩnh Đạt đời Đường nói: “Thử Đại học chi thiên, luận học thành chi sự, năng trị kỳ quốc, chương minh kì đức ư thiên hạ” (Thiên Đại học này bàn về việc học hành, có thể trị được nước, làm sáng cái đức minh ở trong thiên hạ).
Xét về nội dung thì nó hòa trộn luân lí, triết học và chính trị trong một thể thống nhất. Sách này nêu ra ba cương lĩnh lớn là “minh minh đức”, “tân dân” và “chỉ ư chí thiện” cùng với tám điều mục là “cách vật”, “trí tri”, “thành ý”, “chính tâm”, “tu thân”, “tề gia”, “trị quốc”, “bình thiên hạ” là những cương lĩnh cơ bản và nguyên tắc chủ yếu của cái học “nội thánh ngoại vương” của Nho gia.
Tư Mã Quang thời Bắc Tống soạn sách Đại học quảng nghĩa, đó là lần đầu tiên Đại học được tách thành sách riêng. Trình Tử lại điều chỉnh các chương tiết ở nguyên văn Đại học làm thành Đại học định bản và khẳng định rằng đây là “Khổng thị chi di thư, nhi sơ học nhập đức chi môn” (sách do họ Khổng để lại, và là cái cửa bắt đầu đi vào học đạo).
Chu Hi thời Nam Tống đem Đại học, ghép với Luận ngữ, Mạnh Tử và Trung Dung lại gọi là Tứ thư (bốn cuốn sách lớn). Từ đó Đại học chính thức trở thành một trong những tác phẩm kinh điển của Nho gia. Ông lại làm ra sách Đại học chương cú, dựa vào ý kiến hai anh em họ Trình, “phát kì chỉ thú, nhiên hạ cổ giả giáo nhân chi pháp, thánh kinh hiền truyện chi chỉ, xán nhiên phục minh ư thế” (phát huy nội dung ý nghĩa của nó, nhờ thế mà phép dạy người thưở xưa, và nội dung ý nghĩa của kinh truyện thánh hiền lại được sáng tỏ rực rỡ ở đời – Đại học chương cú tự).
Xuất phát từ quan điểm chính trị và đạo đức của Nho gia, Đại học đã nhấn mạnh vào tính thống nhất không thể chia cắt giữa việc tu dưỡng đạo đức cá nhân với việc trị quốc, bình thiên hạ.
Ở Việt Nam, chuyên bàn về sách Đại học thì chỉ có các cuốn Đại học giảng nghĩa, là một bản dịch nôm sách Đại học (có kèm bản chú giải gốc chữ Hán của Chu Hi) và bài nói về cách đọc sách Đại học. Không rõ tác giả, hiện là một bản viết tay 30 trang kí hiệu Thư viện Hán Nôm là AB.277.
Đại học tích nghĩa, do Lê Văn Ngữ biên soạn và viết tựa năm 1927, giảng giải sách Đại học của Tăng Tử, có viện dẫn Kinh Thư, Luận ngữ, Mạnh Tử để thuyết minh. Có một số bài bàn về sách kinh truyện, như Luận ngữ, Trung dung.
Kí hiệu Thư viện Hán nôm là A.2594.
Ngoài ra là các bộ sách chung về Tứ thư như:
– Tứ thư đoản thiên, gồm 170 bài kinh nghĩa, đề tài lấy ở “Tứ thư”, như Lí nhân vi đức, Vi chính dĩ đức, tỉnh hình phạt, kê minh cầu v.v… do Trương Văn Đường in năm Minh Mệnh 19 (1838).
– Kí hiệu Thư viện Hán nôm: A. 1794, A.1424.
– Tứ thư sách lược, là tập văn sách, lấy đề tài trong Tứ thư, dùng làm mẫu cho học trò thi cử.
Kí hiệu sách: VHv 391/1-2, VHv 901, VHv 900, VHv 2241, VHt 17.
– Tứ thư tiết yếu, do Bùi Huy Bích trích đoạn, Liễu Văn Đường in năm Thành Thái 7 (1895).
– Tứ thư tính nghĩa, là tập sách chọn lọc ở các trường và các khoa thi, đề tài lấy ở Tứ thư, là loại sách tham khảo luyện thi. Kí hiệu VHv 443, VHv 444, VHv 601/345.
– Tứ thư ước giải do Lê Quý Đôn, hiệu đính Úc Văn Đường in năm Minh Mệnh 20 (1839).
Diễn giải bằng chữ Nôm, một số chương trong Tứ thư.